Piktina – Chúng ta nhắc nhiều đến cụm từ thời trang nhanh (fast fashion) và những tác động của nó. Vậy thực sự thời trang nhanh là gì?

Mua sắm quần áo từng là việc diễn ra không thường xuyên, chỉ vài lần trong năm khi các mùa thay đổi. Nhưng khoảng 20 năm trước, tất cả đã xoay chuyển. Quần áo trở nên rẻ hơn, chu kỳ xu hướng nhanh hơn và mua sắm trở thành sở thích. Thời trang nhanh và các chuỗi cung ứng toàn cầu đang thống trị các con phố mua sắm lẫn trực tuyến.

Vậy thời trang nhanh là gì? Tại sao nó lại tệ đến như vậy? Và chính xác nó tác động đến con người, hành tinh và động vật như thế nào?

Thời trang nhanh tác động tiêu cực đến môi trường, con người và động vật
Thời trang nhanh tác động tiêu cực đến môi trường, con người và động vật

Thời trang nhanh (fast fashion) là gì?

Thời trang nhanh có thể được định nghĩa là quần áo rẻ, hợp mốt, được lấy ý tưởng từ sàn catwalk hoặc phong cách người nổi tiếng và biến chúng thành hàng may mặc, bày bán ở các cửa hàng. Tốc độ sản xuất nhanh, số lượng lớn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

Thời trang nhanh tập trung đến việc đẩy các mặt hàng ra thị trường càng nhanh càng tốt. Điều này khiến fast fashion trở thành một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường lớn nhất thế giới.

Lịch sử của thời trang nhanh

Chúng ta cần tua lại một chút để hiêu về sự ra đời của thời trang nhanh. Trước những năm 1800, thời trang nhanh phát triển chậm. Công đoạn sản xuất cầu kì khi phải tìm nguyên liệu, chuẩn bị, dệt vải và sau đó may thành quần áo. Cuộc cách mạng công nghiệp đã đem đến công nghệ mới – máy may, khiến việc may quần áo dễ dàng hơn, nhanh và rẻ hơn.

Rất nhiều cửa hàng may mặc sử dụng đội ngũ công nhân đông nhưng điều kiện làm việc không đảm bảo. Năm 1911, một hoả hoạn đã cướp đi mạng sống của 146 công nhân làm việc tại một xưởng may ở New York (Mỹ).

Đến những năm 1960 – 1970, giới trẻ tạo ra những xu hướng mới và quần áo trở thành hình thức để thể hiện bản thân. Vào cuối những năm 1990 – 2000, thời trang giá rẻ đạt đến đỉnh cao. Mua sắm trực tuyến phát triển và các nhà bán lẻ thời trang nhanh như: H&M, Zara hay Topshop chiếm lĩnh thị trường.

Nhu cầu mua sắm thay đổi khiến thời trang nhanh càng có cơ hội phát triển
Nhu cầu mua sắm thay đổi khiến thời trang nhanh càng có cơ hội phát triển

Làm thế nào để nhận biết một thương hiệu thời trang nhanh?

Một số dấu hiệu thường gặp của một thương hiệu thời trang nhanh có thể điểm qua như:

  • Có hàng loạt các phong cách khác nhau, đáp ứng tất cả xu hướng mới nhất
  • Thời gian quay vòng cực kì ngắn giữa các xu hướng
  • Sản xuất ở nước ngoài, nơi giá nhân công rẻ nhất, sử dụng công nhận với mức trả lương thấp, không có đủ điều kiện làm việc
  • Sử dụng chất liệu rẻ tiền, chất lượng thấp, quần áo dễ xuống cấp chỉ sau vài lần mặc và bị vứt bỏ
H&M - Một trong những thương hiệu bán lẻ có tầm ảnh hưởng
H&M – Một trong những thương hiệu bán lẻ có tầm ảnh hưởng

Tại sao thời trang nhanh lại tệ đến như vậy?

Thời trang nhanh ảnh hưởng đến môi trường

Tác hại của thời trang nhanh lên trái đất là vô cùng lớn. Áp lực giảm chi phí, tăng thời gian sản xuất đồng nghĩa với việc các khía cạnh về môi trường bị cắt giảm. Các tác động của thời trang nhanh bao gồm: sử dụng thuốc nhuộm dệt giá rẻ, độc hại – khiến thời trang trở thành một trong những ngành gây ô nhiễm nước sạch lớn nhất trên toàn cầu.

Hàng dệt may giá rẻ cũng làm tăng tác động của thời trang nhanh, trong đó polyeste là loại vải phổ biến nhất. Nó làm tăng lượng nhựa với đại dương. Cứ 900kg da động vật thì sẽ được xử lý bằng 300kg hoá chất.

Tốc độ sản xuất hàng may mặc được đẩy nhanh cũng đồng nghĩa với việc ngày càng nhiều quần áo được người tiêu dùng thải bỏ, tạo ra lượng rác thải dệt may khổng lồ. Theo một số liệu thống kê, chỉ riêng ở lúc 500 triệu kg quần áo không sử dụng bị đẩy ra bãi rác mỗi năm.

Tác động của thời trang nhanh bao gồm: sử dụng thuốc nhuộm dệt giá rẻ, độc hại - khiến thời trang trở thành một trong những ngành gây ô nhiễm
Tác động của thời trang nhanh bao gồm: sử dụng thuốc nhuộm dệt giá rẻ, độc hại – khiến thời trang trở thành một trong những ngành gây ô nhiễm.

Một số thống kê về tác hại của thời trang nhanh lên môi trường: THE IMPACT OF FAST FASHION ON THE ENVIRONMENT

Bóc lột công nhân

Rất nhiều công nhân trong ngành thời trang nhanh làm việc ở môi trường nguy hiểm, lương thấp và không có các quyền cơ bản của con người. Xa hơn nữa, trong chuỗi cung ứng, người nông dân có thể làm việc với các hoá chất độc hại…tác động tàn phá đến sức khoẻ, thể chất và tinh thần.

Nhiều công nhân trong ngành thời trang nhanh làm việc ở môi trường nguy hiểm, lương thấp, không có quyền lợi cơ bản
Công nhân ngành thời trang nhanh làm việc ở môi trường nguy hiểm, lương thấp, không có quyền lợi cơ bản

Gây hại cho động vật

Thuốc nhuộm, sợi nhỏ độc hại thải ra môi trường qua đường nước, ăn sâu vào đất tác động đến chuỗi thức ăn của động vật. Các sản phẩm từ động vật như: da, lông thú hay thậm chí cả len được sử dụng trực tiếp trong thời trang, hệ động vật bị đe doạ.

Lông thú thật, bao gồm cả lông chó mèo thường được mua bán và tạo vỏ bọc là lông giả. Sự thật, có nhiều lông thú thật được sản xuất trong điều kiện tồi tệ ở các trang trại, thậm chí nó còn được mua bán với giá rẻ hơn lông thú giả.

Ép buộc người tiêu dùng

Thời trang nhanh có thể tác động đến chính người tiêu dùng, khuyến khích văn hoá “vứt bỏ” vì tính lỗi thời của sản phẩm và sự xuất hiện của các xu hướng mới. Thời trang nhanh khiến nhiều người tin rằng cần mua sắm nhiều hơn để dẫn đầu xu hướng.

Xu hướng này cũng bị chỉ trích khi một số nhà thiết kế các buộc các nhà bán lẻ thời trang nhanh sản xuất hàng loạt sản phẩm đạo nhái của họ.

Thời trang nhanh tác động đến người tiêu dùng, khuyến khích văn hoá "vứt bỏ" khi sản phẩm lỗi thời
Thời trang nhanh tác động đến người tiêu dùng, khuyến khích văn hoá “vứt bỏ” khi sản phẩm lỗi thời

Thống kê nhanh:

– Trung bình chúng ta chỉ mặc 7-10 lần/bộ đồ
– 80 tỷ bộ quần áo được sản xuất mỗi năm
– Fast Fashion là tác nhân của 8-10% khí thải CO2 toàn cầu (4-5 tỷ tấn/năm)

Những thương hiệu thời trang nhanh nào đang có tầm ảnh hưởng lớn?

Nhiều nhà bán lẻ mà hiện ai cũng biết đến với tư cách ông lớn thời trang nhanh như: Zara hay H&M. Về mặt kĩ thuật, H&M là công ty lâu đời nhất trong số những gã khổng lồ thời trang nhanh, được thành lập ở Thuỵ Điểm vào năm 1947. Tiếp theo là Zara với cửa hàng đầu tiên ra mắt vào năm 1975. Chỉ mất 15 ngày để một sản phẩm may mặc từ giai đoạn thiết kế đến bày bán trong cửa hàng ở Zara.

Ngoài ra, một số tên tuổi lớn khác trong thời trang nhanh hiện nay gồm các hãng: UNIQLO, GAP, Topshop, Primark…Thậm chí có một số thương hiệu thời trang siêu nhanh đang dần nổi lên như: Shein, Missquied, Forever 21, Boohoo, Fashion Nova, Zaful…

Thời trang nhanh có xanh không?

Ngày càng nhiều nhà bán lẻ thời trang nhanh đưa ra cái gọi là sáng kiến thời trang bền vững và có đạo đức. Ví dụ như chương trình tái chế tại các cửa hàng, cho phép thu gom các mặt hàng đã qua xu hướng. Nhưng chỉ có 0,1% tổng số quần áo thu được từ các tổ chức từ thiện và chương trình thu gom được tái chế thành sợi dệt mới.

Vấn đề cơ bản của thời trang nhanh là tốc độ sản xuất của nó, gây áp lực lớn lên con người và môi trường. Quần áo tái chế và quần áo sinh thái, hay quần áo thuần chay…không đủ để chống lại văn hoá vứt bỏ, chất thải, sức ép đối với tài nguyên thiên nhiên và vô số vấn đề khác mà thời trang nhanh tạo ra. Toàn bộ hệ thống cần được thay đổi.

Thời trang nhanh có bị thoái trào?

Bắt đầu có sự thay đổi trong ngành công nghiệp thời trang. Người tiêu dùng bắt đầu đặt câu hỏi “Ai đã làm ra quần áo của tôi?” hay “Chất liệu gì được sử dụng trong quần áo?”. Fashion Revolution tuyên bố “Chúng tôi không muốn quần áo của mình được tạo ra từ sự bóc lột con người hay phá huỷ hành tinh này”.

Ngày càng có nhiều quan tâm đến mô hình sản xuất hàng dệt may vòng tròn, tái sử dụng nguyên liệu mọi lúc mọi nơi có thể. Thời trang bền vững đang là xu hướng được đón nhận.

Tuy nhiên thời trang nhanh vẫn đang manh nha phát triển, đơn cử như việc thương hiệu thời trang cực nhanh Shein luôn đạt doanh số cao và có lượng người mua rất lớn mỗi năm.

Chúng ta có thể làm gì?

Hãy nhớ về câu nói nổi tiếng của nhà thiết kế người Anh – Vivienne Westwood: “Mua ít hơn, chọn tốt hơn và mặc đến cùng”.

Mua ít hơn – Là bước đầu tiên. Hãy cố gắng mặc lại những bộ đồ bạn yêu thích bằng cách sửa sang, làm mới lại chúng. Ví dụ như biến quần jean cũ thành quần short, cắt áo phông thành áo crop top… Tất cả sẽ hạn chế việc mua đồ mới và tạo thói quen thời trang có đạo đức.

Chọn tốt hơn – Là bước thứ hai. Việc chọn trang phục chất lượng cao, làm từ vải thân thiện với môi trường là điều cần thiết. Có những ưu – nhược điểm với tất cả các loại vải. Nhưng hãy luôn lựa chọn loại vải tốt và thân thiện môi trường. Ưu tiên mua đồ cũ, hoặc ủng hộ các chương trình bền vững của các thương hiệu.

Mặc đến cùng – Là bước cuối cùng. Hãy chăm sóc quần áo đúng cách, mặc cho đến khi chúng sờn cũ, sửa chữa lại nếu có thể, sau đó tái chế một cách có trách nhiệm ở vòng đời cuối cùng của chúng.

Hy vọng bạn sẽ là một người tiêu dùng thời trang thông thái, có trách nhiệm với môi trường, quan tâm đến sự bền vững nhé! Thời trang nhanh có thể chạy theo xu hướng nhưng chưa bao giờ tốt cho mục tiêu thời trang bền vững.

Cảm ơn bạn đã xem hết bài viết: Thời trang nhanh là gì? Tại sao nó lại tệ đến vậy?

 

Pita

Spread the love