Piktina – Việc trả lại quần áo đang trở thành xu hướng nổi bật để thúc đẩy thời trang bền vững. Nhưng thực chất hoạt động này sẽ diễn ra như thế nào?

Mua và trả lại quần áo thông qua nền tảng trực tuyến đang là một phần của cuộc sống thời trang hiện đại. Tại Anh, khách hàng trả lại 7 tỷ bảng khi mua hàng qua internet mỗi năm, trong khi hơn 1/5 tổng số quần áo mua trực tuyến được gửi trả lại. Trên toàn cầu, tỷ lệ trả lại thường cao hơn khi khách hàng mua sắm trực tuyến.

Vấn đề hoàn trả hiện đang phổ biến đến mức có một tổ chức chuyên nghiên cứu về vấn đề này.

Hiện tượng trả lại hàng không chỉ ảnh hưởng đến các nhà bán lẻ mà còn tác động lên dây chuyền toàn bộ nền kinh tế. Theo một cách nào đó đã tạo ra nền kinh tế ngầm của chính nó với nhiều bộ phận như: những người dọn dẹp, thu hồi quần áo được trả lại, tài xế giao hàng, công nhân kho hàng, thợ may, nhà sản xuất bao bì, công ty quản lý chất thải…Các doanh nghiệp mới mọc lên, hoặc mở rộng để giải quyết những vấn đề.

Xu hướng trả lại đồ đạc mang lại những mặt tiêu cực và tích cực khác nhau. Về phía người tiêu dùng, nhiều người còn chưa nhận thức được tác động môi trường từ thời trang. Theo tổ chức chống rác thải Ellen MacArthur Foudation, cứ mỗi giây có một xe tải chở quần áo đến bãi rác hoặc bị đốt cháy. Sa mạc Atacama ở Chile trở thành bãi rác cho 39.000 tấn quần áo không bán được mỗi năm từ khắp nơi trên thế giới, chất đống cao và kéo dài hàng chục km. Các loại vải dệt làm rò rỉ chất gây ô nhiễm vào nguồn nước địa phương và đôi khi bốc cháy do nắng nóng. Sản xuất thời trang chịu trách nhiệm từ 2 – 8% lượng khí thải carbon toàn cầu.

Những năm trở lại đây, nhiều thương hiệu nhận thức được tầm quan trọng của các giải pháp tuần hoàn trong thời trang. Chúng ta phải thay đổi suy nghĩ rằng quần áo là hàng tồn kho, nó là tài sản và những tài sản đó sẽ có nhiều người dùng trong suốt cuộc đời của họ.

Có khá nhiều những trang web, nền tảng trên thế giới phát triển dịch vụ nhận phân phối quần áo được trả lại. Cơ bản nó như việc ký gửi những món đồ không sử dụng nữa và thu lại một khoản lợi nhuận từ việc này. Đa phần đều hoạt động dựa trên internet, mua và bán lại trực tuyến nhưng cũng sẽ có những cửa hàng trực tiếp dành cho khách hàng muốn đến tận nơi trải nghiệm.

Nhiều thương hiệu thời trang cũng đã áp dụng chính sách trả lại hàng. Như Zara vào năm 2011, khi ra mắt trang web cũng đã cung cấp dịch vụ hoàn trả lại đồ đã mua miễn phí. Nhiều người có thêm lựa chọn để xử lý những trang phục mua về nhưng không sử dụng hoặc không mặc vừa…

Tuy nhiên vấn đề hoàn trả không thể chỉ đổ dồn vào khách hàng. Bất kỳ ai đã mua sắm trực tuyến đều biết rằng những gì đang thấy không phải lúc nào cũng là thứ sẽ nhận được.

Nhiều người cho rằng xã hội nên cần tránh xa khái niệm sở hữu và đón nhận các mô hình giúp giảm chi phí sản xuất quần áo thân thiện với môi trường, chẳng hạn như cho thuê hay hoàn trả. Điều này nên diễn ra tự nhiên nhưng không thể một sớm một chiều. Kể từ tháng 5/2022, Zara áp dụng tính phí việc trả lại cho các đơn đặt hàng trực tuyến.

Một số người cho biết họ thực sự không nhận thức được hành vi mua sắm không có kế hoạch tác hại như thế nào đến môi trường, cho đến khi thấy được hình ảnh về các bãi rác phế thải dệt may hay những tác động đến những yêu tố như: nước, không khí, đất…trên hành tinh này. Ý thức mặc quần áo tốt hơn, tiết kiệm và mua sắm có kế hoạch hơn là điều mà nhiều người hướng đến. Trả lại quần áo chưa sử dụng, mua bị dư thừa…cho các thương hiệu hay đơn vị trung gian là xu hướng đang trở nên thịnh hành hơn để hướng đến thời trang bền vững.

Cảm ơn bạn đã xem bài viết: Điều gì xảy ra khi trả lại quần áo không dùng đến nữa?

 

Vinnie (lược dịch)


Spread the love