Xu hướng đến rồi đi, liệu doanh nghiệp địa phương có tận dụng được để phát triển?
Piktina – Ngành thời trang luôn chứng kiến các xu hướng đến rồi đi, những cơn sốt gần đây và sự sụt giảm sau đó của 2 thương hiệu Việt này khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: “Liệu các thương hiệu có thể tận dụng xu hướng và cơ hội để xuất hiện nhiều trên mạng xã hội và phát triển?”.
Đầu tháng 3/2023, giày thể thao Thượng Đình và Asia Sports đột ngột tăng trưởng mạnh trên các nền tảng thương mại điện tử và TikTok, được người tiêu dùng trẻ săn lùng ráo riết.
Trào lưu này được cho khởi xướng từ nam rapper HIEUTHUHAI, sau khi anh đăng tải một bức ảnh đi đôi giày thể thao sọc đỏ trắng do Asia Sports sản xuất. Mẫu giày này giống với đôi ASN của Thượng Đình. Bài đăng này sau đó được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội, dẫn đến nhu cầu về đôi giày tăng vọt.
Cơn sốt giày thượng đình rầm rộ trên mạng xã hội sau hiệu ứng từ HIEUTHUHAI
Theo một số nhà thiết kế thời trang, có xu hướng ghi nhận sự trỗi dậy của các phụ kiện thời trang lấy cảm hứng hoài cổ từ những năm 2000 về trước, đặc biệt là giai đoạn 1970 – 1980. Xu hướng này khiến các mặt hàng thời trang cũ từ những thương hiệu trong nước trở nên phổ biến với người tiêu dùng GenZ (sinh ra từ cuối những năm 1990 đến đầu những năm 2000). Nó được thúc đẩy bởi những nhân vật có tầm ảnh hưởng trên các nền tảng truyền thông xã hội như TikTok, Facebook, Instagram…giúp quảng bá cho thương hiệu địa phương như Thượng Đình.
Việt Nam xuất khẩu hơn 1 tỷ đôi giày mỗi năm, phần lớn cho các thương hiệu quốc tế. Một số thương hiệu trong nước chiếm thị phần đáng chú ý tại thị trường nội địa như: Biti’s, Ananas, RieNevan, Dincox, Juno…Ngoài ra, Thượng Đình và Asia Sports được công nhân về độ bền bỉ, giá cả phải chăng trong phân khúc giá rẻ.
Giày Thượng Đình được xem là “đôi giày quốc dân” của Việt Nam
Được thành lập vào năm 1957, tiền thân là một cơ sở thuộc Cục Quân nhu, Thượng Đình chuyên sản xuất mũ và dép cao su tại tỉnh Hà Nam. Công ty chính thức mang tên “Công ty giày Thượng Đình” vào năm 1993, kể từ đó giày vải và giày thể thao của Thượng Đình trở nên quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam.
Tuy nhiên trước công cuộc cải cách kinh tế và hội nhập của Việt Nam, Thượng Đình nhanh chóng lạc hậu trước những thiết kế hiện đại, trẻ trung và sành điệu đến từ các thương hiệu nước ngoài như: Converse, Vans, Nike, Adidas…
Dù nhiều năm đôi qua, Thượng Đình vẫn giữ nguyên những thiết kế ban đầu được cho đã “lỗi thời” và hoạt động kinh doanh cũng bị thu hẹp. Theo báo cáo tài chính năm 2021, công ty báo lỗ trước thuế hơn 770 triệu đồng, năm thứ 5 liên tiếp ghi nhận lỗ. Mặc dù đây là một sự cải thiện đáng kể so với khoản lỗ hàng chục tỷ đồng trong năm 2019 – 2020, lên tới 49,4 tỷ đồng, chiếm hơn một nửa vốn điều lệ (93 tỷ đồng) của công ty.
Nhiều bạn trẻ tìm mua lại giày Thượng Đình
Nhiều người đã kỳ vọng vào sự hồi sinh của Thượng Đình sau cơn sốt hồi tháng 3, nhưng thương hiệu này vẫn dậm chân tại chỗ, không tuyên bố hay tung ra các chiến dịch quảng bá sản phẩm, còn Asia Sports thì không có fanpage để nhân rộng sức hút. Chính vì vậy, xu hướng chỉ phổ biến trong một vài tuần và doanh số bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử trở lại kết quả kém mặc dù lượng hàng tồn kho cao. Những người trẻ cũng chuyển sang tìm kiếm và chạy theo xu hướng mới.
Tuy nhiên, Thượng Đình không phải là thương hiệu duy nhất được nhớ đến từ “thời oanh liệt” năm xưa. Một số thương hiệu như: Sá Xị Chương Dương, Diêm Thống Nhất, Xe đạp Thống Nhất, Kem đánh răng Dạ Lan, Nước rửa chén Mỹ Hảo,…cũng đang chật vật với lợi nhuận và thị phần bị thu hẹp hoặc bị doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm.
Biti’s là một ví dụ điển hình về việc tận dụng ảnh hưởng của những KOLs và người nổi tiếng để tạo nên một thương hiệu thành công.
Từ cuối những năm 1990, Biti’s đã nổi tiếng với khẩu hiệu “Nâng niu bàn chân Việt” ăn sâu vào tâm trí người tiêu dùng. Trong giai đoạn 2016 – 2017, chiến dịch truyền thông “Đi để trở về” tạo cơn sốt tại thị trường giày trong nước. Đặc biệt là sau chuỗi MV “Đi để trở về” hợp tác cùng Soobin Hoàng Sơn và “Lạc Trôi” của Sơn Tùng M-TP.
Biti’s từng phất lên nhờ tận dụng tốt hiệu ứng từ những người nổi tiếng
Tháng 1/2018, trận chung kết giải bóng đá U23 Châu Á diễn ra tại Thường Châu (Trung Quốc), tuyết rơi nặng nề và đội tuyển Việt Nam thua cuộc nhưng màn trình diễn ấn tượng của toàn đội gây chú ý. Biti’s khi đó đã tung ra mẫu giày Hunter đỏ nâu chấm trắng và gây sốt, khách hàng đổ xô tìm mua.
“Nhận thức về thương hiệu của chúng tôi đạt đến đỉnh cao vào thời điểm này. Biti’s cố gắng duy trì danh tiếng về chất lượng và giá cả phải chăng từ đó. Tuy nhiên Biti’s cũng gặp phải sự cạnh tranh khổng lồ từ Nike, Adidas hay Decathlon” – Ông Hùng Võ, Giám đốc Tiếp thị của Biti’s chia sẻ.
Trong khi đó ông Sam Nguyễn, Đại diễn đơn vị phân phối độc quyền quà lưu niệm của BTS tại Việt Nam cho biết các thương hiệu Việt thường không duy trì được tăng trưởng dài hạn trong lĩnh vực “sản phẩm tình cảm”.
“Để thành công, các thương hiệu phải chuẩn bị sẵn sàng để đáp ứng nhiều làn sóng nhu cầu của người tiêu dùng và có kế hoạch cho làn sóng tiếp theo” – Ông Sam Nguyễn chia sẻ trên tờ Thesaigontimes.vn.
Giày Thượng Đình chưa tận dụng tốt hiệu ứng bùng nổ từ những gương mặt nổi tiếng để tăng doanh thu bền vững hơn
Một số chuyên gia đã lưu ý rằng, các thương hiệu Việt Nam thường có tuổi thọ không quá 30 năm. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng với những công ty không thích ứng với đối mới kinh tế, hội nhập quốc tế và xu hướng mới về tài chính, quản trị, sáng tạo. Không phải tất cả công ty đều thuộc loại này.
Ví dụ như Vinamilk là thương hiệu thực phẩm hàng đầu trong gần 50 năm, trong khi Biti’s đã duy trì sự hiện diện ổn định trong ngành sản xuất giày dép hơn 40 năm qua. Các yếu tố chính cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam bao gồm lãnh đạo, đầu tư R&D, văn hoá doanh nghiệp, công nghệ, năng suất và quản lý sở hữu trí tuệ.
Cảm ơn bạn đã xem bài viết: Xu hướng đến rồi đi, liệu doanh nghiệp địa phương có tận dụng được để phát triển?
Pita (Lược dịch)
Nguồn tham khảo: Viet Nam News