Piktina – Thời trang nhanh luôn toát ra một thứ ma lực hấp dẫn khó cưỡng, đặc biệt là với thế hệ trẻ như Gen Z, nhưng nó cũng gây ra những hệ lụy nghiêm trọng với môi trường.

Đặc điểm nhận dạng của Fast fashion

Cái tên nói lên tất cả, Fast fashion ‘nhanh chóng’ mang đến người tiêu dùng những thiết kế mới nhất, chỉ vừa xuất hiện trên sàn catwalk vài hôm thì hôm nay đã có mặt tại các cửa hàng của Zara, H&M, hay Topshop. Trending và giá rẻ chính là nam châm có lực hút mãnh liệt với các tín đồ thời trang từ già đến trẻ.

Những mẫu thiết kế mới nhất chỉ vừa xuất hiện trên sàn catwalk vài hôm thì hôm nay đã có mặt tại các cửa hàng của Zara hay H&M

Một vài ví dụ đơn giản giúp bạn dễ hình dung hơn về siêu tốc độ ra mẫu mới của thời trang nhanh:

H&M hay Forever 21 đều nhận được các lô hàng mới mỗi ngày. Còn Topshop trung bình cập nhật 400 mẫu mới mỗi tuần trên website bán hàng của hãng.

Nếu các tín đồ thời trang ghé thăm Gucci hay Chanel, họ sẽ biết chắc rằng nếu quay lại sau 2 tháng vẫn còn được nhìn thấy được các mẫu này. Còn nếu ghé qua các cửa hàng Zara, H&M hay một số nhãn hàng fast fashion khác, họ sẽ phải đưa ra quyết định mua ngay và luôn hoặc không bao giờ có cơ hội mua nữa.

Vì chỉ trong vòng 10 ngày thôi, toàn bộ các mẫu mã có trong cửa hàng sẽ bị thay thế hoàn toàn bằng những mẫu khác. Giá rẻ và tâm lý chạy theo mốt chính là động lực to lớn khiến số đông tặc lưỡi bỏ tiền ra để được sở hữu những món đồ hợp mốt ngay và luôn.

Nếu ghé qua các shop của Zara, H&M, khách hàng sẽ phải đưa ra quyết định mua ngay và luôn hoặc là không bao giờ.

Thời trang nhanh và hệ lụy đối với môi trường thông qua những con số biết nói

Hấp dẫn bởi lợi nhuận khổng lồ từ thời trang nhanh khiến nhiều nhà sản xuất không buồn đoái hoài đến những hệ lụy mình gây ra cho môi trường. Các số liệu dưới đây có thể sẽ khiến bạn suy nghĩ lại lối mua sắm của mình:

● Ngành công nghiệp may mặc tiêu thụ khoảng 93 tỷ mét khối nước mỗi năm, đủ để đáp ứng nhu cầu về nước sinh hoạt cho 5 triệu người.

Ngành công nghiệp may mặc tiêu thụ khoảng 93 tỷ mét khối nước mỗi năm.

● Để sản xuất được một chiếc áo phông sẽ phải cần đến 2.700 lít nước sạch, còn một chiếc quần jeans là 3.781 lít.

● Lượng rác thải nhựa trôi nổi trên đại dương thì đến 85% trong số đó nguồn gốc từ hạt và sợi vi nhựa có trong đồ may mặc.

● Để đáp ứng nhu cầu cung cấp các loại sợi tự nhiên như len hay bông, hơn 70 triệu cây xanh bị chặt hạ mỗi năm để lấy đất trồng bông.

● 20% lượng nước thải toàn cầu đến từ nhuộm và xử lý vải. Lượng nước thải chưa qua xử lý này nếu bơm ngược vào hệ thống nước sinh hoạt sẽ chứa nhiều chất độc và kim loại nặng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe vật nuôi hay con người.

● Thói quen mua sắm ồ ạt khiến nhiều sản phẩm may mặc bị vứt bỏ sau thời gian rất ngắn do không vừa, hỏng hay lỗi mốt. Mỗi năm có đến 92 triệu tấn chất thải dệt được tập kết tại những bãi rác dù hơn 95% trong số đó có thể tái chế hay tái sử dụng. Nếu chôn lấp thì vải nhuộm và các sợi tổng hợp khó phân hủy không khác gì rác thải nhựa. Còn nếu thiêu hủy sẽ thải ra các loại khí nhà kính khiến trái đất bị nóng lên.

Mỗi năm có đến 92 triệu tấn chất thải dệt được tập kết tại những bãi rác dù hơn 95% trong số đó có thể tái chế hay tái sử dụng.

● 1 chiếc áo khoác denim cần khoảng 20 tháng để phân hủy; 1 chiếc áo len mất từ 1 đến 5 năm; 1 chiếc cà vạt chất liệu nilon khoảng 35 năm; 1 chiếc túi da mất đến 50 năm; còn 1 chiếc váy polyester cần đến 200 năm mới phân hủy được hết.

● Ngành công nghiệp thời trang may mặc chiếm đến 10% lượng khí thải carbon trên toàn cầu. Đây chính là tác nhân gây ô nhiễm đứng thứ 2 trên thế giới chỉ sau ngành công nghiệp dầu. Ước tính khoảng 1,2 tỷ tấn carbon thải ra từ thời trang nhanh – một trong những nguyên nhân chính gây ra sự nóng lên toàn cầu.

Ngành công nghiệp thời trang may mặc chiếm đến 10% lượng khí thải carbon trên toàn cầu.

Thông qua những con số kinh khủng trên, Piktina hy vọng đã đủ đánh thức những tín đồ đam mê thời trang bất tận, nhất là thời trang nhanh. Đã đến lúc chúng ta cần suy ngẫm và thay đổi thói quen mua sắm để bảo vệ hành tinh xanh, bảo vệ môi trường sống cho chính mình và những người thân xung quanh.

Tin bài liên quan

Thủy Lê (tổng hợp)

Spread the love