Piktina – Tiêu dùng có ý thức đang trở thành xu hướng được quan tâm, đặc biệt trong thế hệ GenZ.

Nhiều người có thể cho rằng sự thay đổi của người tiêu dùng chỉ là đang gượng ép theo những lời hô hào kêu gọi thời trang bền vững, nhưng thực tế không phải vậy. Nhiều thương hiệu đang có cách phát triển dựa vào những người tiên phong, tạo ra xu hướng. Và hiện nay, bền vững đang là một trong những giá trị cốt lõi nhất được theo đuổi.

Thời trang cần phát triển theo tính tuần hoàn, đó là điều mà hầu hết giới nghiên cứu hay người bình thường đều đã công nhận. Chính vì vậy việc mua sắm lại quần áo cũ, tái chế, sử dụng chất liệu tự nhiên là điều cần tối ưu.

Trong lịch sử, mua sắm tiết kiệm được xem là điều không phổ biến trong thời trang, nhưng bây giờ phần lớn GenZ đang yêu thích việc mua lại đồ cũ để sử dụng. Nhưng câu hỏi đặt ra là “Liệu họ thực sự nghĩ rằng đây là điều ý nghĩa?” Hay ” Chỉ là sự bắt buộc vì khủng hoảng môi trường?”.

Tương lai của thời trang phụ thuộc vào việc xem xét lại vòng đời của một sản phẩm may mặc. Những người quan tâm đến môi trường thì đã biết đến điều này từ lâu, nhiều trang web bán lại như: thredUP, Poshmark, eBay…đã tham gia lĩnh vực này.

“Rất nhiều thương hiệu tin rằng tính bền vững là quan trọng và việc bán lại trở thành phần quan trọng trong chiến lược để đạt được điều đó. Một số là vì chính sự quan tâm đến Trái Đất, và còn lại hướng đến đối tượng tiêu dùng. Và vì nhiều lý do, người tiêu dùng đang chuyển sang dùng đồ cũ” – Trưởng nhóm truyền thông người tiêu dùng của thredUP chia sẻ.

Theo báo cáo bán lại năm 2023 của thredUP được phát hành vào đầu tháng 4, thị trường đồ cũ toàn cầu dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2027 với tốc độ tăng trưởng nhanh gấp 3 lần so với thị trường may mặc thông thường. Phần lớn mức tăng trưởng dự kiến đến từ những người mua sắm mới, nghĩa là ngày càng có nhiều người chuyển sang thị trường đồ cũ hơn. The RealReal cũng ủng hộ thredUP về những số liệu này, cho rằng GenZ đang chuyển sang mua bán lại đồ cũ rất nhiều.

Theo Business Insider, hơn 100 tỷ sản phẩm may mặc được sản xuất mỗi năm, khoảng 3/4 trong số đó kết thúc ở bãi rác. Có nghĩa là 75% sản lượng của ngành thời trang là không cần thiết và không được tái sử dụng.

Ý tưởng bán lại để cung vấp vòng đời thứ 2 cho quần áo đang phát triển ở nhiều quốc gia. Dấu hiệu tích cực cho thấy nhiều nhà phân phối đồ cũ trở thành đối tác trong ngành thời trang của nhiều thương hiệu, cho thấy thị trường đang phát triển theo hướng đa dạng hơn. Thậm chí The RealReal đã hợp tác với nhiều nhà mốt như: Stella McCartney, Burberry, Gucci, Jimmy Choo…

Vào năm 2018, Burberry từng gây tranh cãi về việc đốt nhiều sản phẩm hàng hiệu chỉ vì không muốn bị bán lại. Điều này gây sốc với ngành thời trang vì quá lãng phí. Khi thông tin này được lan truyền, thredUP đã gửi thư ngỏ đến Burberry đề xuất sự giúp đỡ. ThredUP cung cấp hình thức bán lại dưới dạng dịch vụ gọi là “RaaS”, trong đó xử lý việc bán lại thay mặt cho các thương hiệu trên thị trường. Nhiều thương hiệu đã sử dụng dịch vụ này như: H&M, Vera Bradley, Madewell, Tommy Hilfiger…Tín hiệu khả quan là những nhà mốt này đã cho thấy sự tác động đến sản xuất khi số lượng hàng mới, thừa giảm đi.

Người tiêu dùng ngày nay đang ưu tiên giá trị bán lại là yếu tố quyết định khi mua sắm. Đặc biệt thế hệ GenZ còn nghiên cứu về thị trường bán lại trước khi mua hàng. Họ không muốn mua một chiếc túi xách sang trọng nhưng không có tiềm năng “pass” lại.

GenZ đang quan tâm đến biến đổi khí hậu nhiều hơn bất kỳ thế hệ nào trước đây. Họ để ý đến phong cách, tiền bạc và sự bền vững. Nhưng quan trọng hơn là 3 điều này có thể thực hiện song song với nhau. Họ đòi hỏi tiêu chuẩn mới cho sự phong cách, chất lượng và không gây hại đến môi trường sống.

Nhiều GenZ thẳng thắn từ chối mua sắm từ các thương hiệu thời trang nhanh, không bền vững, bất chấp sự phổ biến. Họ tiết kiệm hơn, quan tâm đến tính hợp lý của món đồ sắp mua và mua đồ đã qua sử dụng. Đồng thời nhiều bạn trẻ cũng sợ mặc trùng đồ khi mua ở Zara hay H&M, trong khi họ có thể chọn được các item độc đáo tại những nơi bán đồ cũ.

Chưa thể xác định những tác động của xu hướng này đến toàn bộ ngành công nghiệp thời trang trong 5-10 năm nữa sẽ như thế nào, nhưng những thay đổi tạo ra tín hiệu khả quan. Mặc dù gánh nặng thay đổi không nên đặt lên vai người tiêu dùng, nhưng họ là những mắt xích quan trọng trong một dây chuyền lớn không thể thiếu.

 

Cảm ơn bạn đã xem bài viết: Thói quen mua sắm cho thấy GenZ đang lo lắng về biến đổi khí hậu

 

Vinnie (lược dịch)

Spread the love