Thị trường đồ second hand nở rộ và cách đồ cũ được săn đón hơn đồ mới
Piktina – Những người sành sỏi về thời trang đang có xu hướng săn những thứ nhuốm màu thời gian, đồ cũ càng cũ lại càng có sức hấp dẫn.
Giờ đây, trong giới thời trang, đặc biệt là thời trang cao cấp những trang phục, phụ kiện đã qua sử dụng cực kì hấp dẫn. Thị trường đồ 2hand đang ngày càng phát triển rõ rệt và có 2 hình thức phân phối chủ đạo đó là: Với hàng cao cấp sẽ được mua lại thông qua đấu giá và Với những mặt hàng bình dân là tại các chợ, cửa hàng đồ second hand.
Những món đồ cũ được những người mua sắm sành sỏi nhất săn lùng. Đáng chú ý, cuộc săn lùng này không diễn ra ở các nhà kho, các buổi bán đấu giá, chợ…mà là trực tuyến. Ngoài việc đi săn đồ cũ, nhiều người còn bán lại đồ đã qua sử dụng thông qua các nền tảng internet.

Đồ cũ cao cấp dần chiếm ưu thế
Theo một cựu nhân viên của tạp chí Vogue, đồng thời là quản trị một web bán lại đồ cũ có trụ sở tại Anh cho biết ý thức sở hữu của con người đã thay đổi. Hơn 30% mặt hàng trên trang web chưa từng được mặc. Nhiều người sẽ bắt đầu nhìn lại tủ quần áo của mình và nghĩ “Liệu có những món đồ có thực sự cần thiết với bản thân hay không?”. Từ đó quyết định ký gửi cho các web bán hàng, thu về một khoản tiền rồi dùng nó để mua thứ khác phù hợp hơn.
Thị trường “resale – bán lại” là mô hình kinh doanh lớn. Theo báo cáo của Global Data và ThredUp, thị trường quần áo đồ cũ dự kiến sẽ tăng gấp đối trong vòng 5 năm tới, tăng trưởng nhanh hơn 11 lần so với lĩnh vực quần áo bán lẻ và phát triển rộng lớn hơn, đạt hơn 83 tỷ USD vào năm 2025.
Thế hệ GenZ, những người thúc đẩy sự phát triển trong việc mua sắm tiết kiệm có nhiều khả năng sẽ khoe khoang về phát hiện của họ trên phương tiện truyền thông xã hội nhiều hơn là giữ kín về các món đồ cũ đang sở hữu.
Theo một báo cáo của Farfetch, trung bình việc sở hữu lại một món đồ đã qua sử dụng tiết kiệm 1kg chất thải, 3040 lít nước và 22kg CO2 so với một món đồ mới.

Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi thế giới theo nhiều cách, trong đó có tác động lớn đến thời trang, đặc biệt là mối quan tâm đến hàng second hand. Farfetch cho biết tỷ lệ khách hàng tìm kiếm đồ cũ tăng 151% vào năm 2020, đồng thời ghi nhận mức tăng 506% doanh số bán hàng 2hand trị giá hơn 10.000 USD từ quý 1 đến quý 4 năm 2020.
Tháng 10/2021, chương trình “Rewear” của H&M cho khách hàng cơ hội bán lại các mặt hàng thiết kế được bản quản tốt trong tủ đồ để đổi lấy phúc lợi tại cửa hàng. Hay ở Printemps (Paris – Pháp) đã dành một tầng rộng 13.000 m2 dành riêng cho quần áo cũ. Nhiều thương hiệu nổi tiếng xa xỉ như: Gucci, Chanel, Valentino, Balmain…cũng đã và đang có những chương trình phân phối đồ cũ, cùng với đó “tái sinh” lại những thiết kế trong bộ sưu tập cũ phù hợp với hơi thở thời đại.


Với rất nhiều thương hiệu phát hành lại các mẫu cũ, chỉ là vấn đề thời gian trước khi họ kiểm soát việc bán lại các phiên bản gốc. Các nhà mốt xa xỉ trước đây thường bị nghi ngờ nhiều hơn, nhưng bây giờ họ đang nắm lấy cơ hội. Họ coi việc bán lại là một yếu tố mạnh mẽ để thực sự kết nối với thế hệ trẻ và cũng để tạo ra một cộng đồng lớn hơn.
Xu hướng diện đồ cũ ảnh hưởng lớn đến thế hệ trẻ
Xu hướng diện lại đồ cũ cao cấp cũng được nhiều tên tuổi nổi tiếng ứng dụng. Cherie Balch đến từ trang web thời trang cổ điển có trụ sở tại Mỹ là Shrimpton Couture đã cung cấp cho Rhianna những bộ đồ hiệu Halston từ những năm 1980 và Saint Laurent ở thập niên 90. Thậm chí còn thuyết phục Katy Perry mặc thời trang cao cấp Pierre Cardin năm 1978 ở một buổi dạ tiệc của UNICEF tại Ý.
Hay ngôi sao nhạc pop Olivia Rodrigo chọn đồ của Chanel từ bộ sưu tập năm 1995 tại một sự kiện vào tháng 7/2021. Giống như hầu hết các GenZ, Rodrigo mua và bán quần áo của cô qấy trên ứng dụng Depop, nơi 90% người dùng ở độ tuổi dưới 26.
Tại Việt Nam, thị trường second hand, mua – bán lại đồ cũ cũng phát triển nở rộ thời gian qua. Rất nhiều những hệ thống phân phối, mua bán, ký gửi đồ đã qua sử dụng được thành lập với hệ thống quản lý bài bản, chuyên nghiệp, đem đến những trải nghiệp thú vị cho khách hàng.


Đặc biệt, ngày càng nhiều người trẻ, thuộc thế hệ GenY, GenZ…quan tâm đến đồ second hand. Họ dành thời gian để săn các món đồ cũ độc đáo, định hình phong cách riêng của bản thân bằng những trang phục, phụ kiện…đã qua sử dụng, thể hiện cá tính riêng qua thời trang tái chế. Đây có lẽ là tín hiệu vui khi vấn đề tái sử dụng, tái chế và hướng đến thời trang xanh, thời trang bền vững đang rất được quan tâm.
Còn bạn thì sao? Những món đồ cũ có sức hấp dẫn đối với bạn không? Chia sẻ cùng Piktina nhé!
Cảm ơn bạn đã xem hết bài viết: Thị trường đồ second hand nở rộ và cách đồ cũ được săn đón hơn đồ mới
Giang (Lược dịch)