Piktina – Theo những quy tắc mới sẽ sớm được đưa ra, các công ty may mặc thời trang phải tiết lộ số lượng sản phẩm tồn kho, chưa bán được mà họ đưa đến bãi rác.

Uỷ ban châu Âu đang kêu gọi chấm dứt thời trang nhanh vào năm 2030, cùng với đó công bố rộng rãi các quy tắc về thiết kế có thể áp dụng với bất kì sản phẩm nào trong tương lai, bắt đầu với hàng dệt may.

Giám đốc điều hành EU muốn các công ty lớn tiết lộ lượng hàng tồn kho mà họ đưa ra bãi rác như một kế hoạch ngăn chặn nạn vứt bỏ đồ cũ trên diện rộng.

Các quy tắc trong hệ sinh thái thiết kế thời trang của EU đặt ra những tiêu chuẩn về hiệu quả cho nhiều mặt hàng tiêu dùng.

“Các sản phẩm chúng ta sử dụng hàng ngày cần phải tồn tại bền vững. Nếu nó bị hỏng, có thể sửa chữa…Cũng như quần áo có thể mặc lâu dài và tái chế” – Frans Timmermans, Phó chủ tịch Uỷ ban Châu Âu phụ trách thoả thuận xanh của EU chia sẻ.

Đến năm 2030, EU hướng đến hàng dệt may đưa vào thị trường phải có tuổi thọ cao và có thể tái chế. Quần áo sẽ không bị vứt bỏ mà được tái chế thường xuyên.

Trung bình mỗi năm, mỗi người ở châu Âu vứt bỏ khoảng 11kg quần áo, giày dép và các loại hàng hoá bằng vải khác. Công nghiệp may măc, thời trang là ngành phát thải khí nhà kính lớn thứ 4 sau thực phẩm, nhà ở và phương tiện giao thông, cũng như tiêu thụ một lượng lớn nước và các nguyên liệu thô.

Nếu các quy định về thời trang bền vững, tái chế có hiệu lực tại châu Âu sẽ đem lại tác động lớn đến toàn thế giới vì gần 3/4 quần áo và hàng dệt may tiêu thụ ở EU được nhập khẩu từ nơi khác.

Quan chức EU cũng dự thảo sẽ cấm hành vi gửi hàng hoá tồn kho đến bãi rác. Các công ty may mặc phải công khai số lượng sản phẩm chưa bán được mà họ đem đi tiêu huỷ.

Những đề xuất với mục tiêu thời trang bền vững là một phần của kế hoạch “nền kinh tế vòng tròn” của EU, nhằm mục đích làm rõ dấu ấn sinh thái của châu Âu với tài nguyên thiên nhiên thế giới. Tất cả các hoạt động hướng đến việc xanh hoá các lĩnh vực, trong đó các sản phẩm được mô tả là “thân thiện với môi trường” hoặc “sinh thái” sẽ bị cấm nếu không chứng minh được như những gì công bố.

Ngành công nghiệp thời trang hứa hẹn sẽ có nhiều thay đổi khi mục tiêu xanh hoá và hướng đến sự bền vững ngày càng được thực hiện rõ rệt. Nhiều thương hiệu và Fashionista, lẫn khách hàng đều đang dần có những thay đổi về việc sản xuất và lựa chọn đồ có thể sử dụng lâu dài, đồ tái chế.

Tuy vậy hiện vẫn chưa rõ các kế hoạch của các đơn vị quản lý sẽ làm thay đổi ngành công nghiệp thời trang đến đâu vì các quyết định điều chỉnh cụ thể vẫn chưa được chính thức đưa ra. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tin vào một tương lai của thời trang bền vững, tái chế, chấm dứt thời trang nhanh để tạo ra những hiệu ứng tích cực đến môi trường.

Pita (lược dịch)

Spread the love