Bỏ qua bông cotton, thương hiệu Tommy Hilfiger đang dùng chất thải để làm sợi vải tái chế
Công ty mẹ của Calvin Klein và Tommy Hilfiger, PVH đã ký một thỏa thuận kéo dài nhiều năm với công ty công nghệ xoay vòng Infinited Fiber Company của Phần Lan, với kế hoạch sử dụng vải tái chế vào mùa hè này.

Công ty mẹ của Tommy Hilfiger, PVH đã hợp tác nhiều năm với công ty công nghệ sinh học Infinited Fiber Company (IFC) của Phần Lan để sử dụng xơ tái sinh làm từ chất thải dệt, bìa cứng và lúa mì thay cho bông cotton. Sợi dệt tái chế được cấp bằng sáng chế của IFC, được gọi là Infinna, sẽ được sử dụng trong các sản phẩm của Tommy Hilfiger ở Châu Âu, bắt đầu với áo phông được tung ra vào mùa hè này và sau đó sẽ mở rộng sang các danh mục sản phẩm của Calvin Klein.
Động thái này là một phần trong nỗ lực không ngừng của PVH nhằm không tạo ra chất thải, khí carbon và hóa chất độc hại, đồng thời để các sản phẩm của PVH được thông qua vào năm 2030. PVH đã làm việc với IFC trong vài năm và hiện đang thử nghiệm các loại sợi khác được làm từ nguyên liệu tái chế khác, bao gồm nho còn sót lại từ quá trình sản xuất rượu vang được biến thành da thuộc. IFC sẽ tìm nguồn hàng dệt cũ ở Phần Lan và chia nhỏ chúng “ở cấp độ phân tử” để chế tạo lại thành sợi mới. PVH Europe cam kết sẽ tái chế các sản phẩm được thu hồi và cắt giảm lượng sản xuất của nhà máy để làm nguyên liệu cho quy trình tạo ra Infinited Fiber.

Esther Verburg, Giám đốc phụ trách kinh doanh bền vững và đổi mới của Tommy Hilfiger toàn cầu và PVH Châu Âu cho biết: “Chúng tôi cam kết tiên phong và hợp tác với các công ty đầu ngành có cùng chí hướng để thúc đẩy các sản phẩm sáng tạo và bền vững hơn”. Bằng cách biến đổi chất thải thành sản phẩm mới, công ty có thể “sản xuất bền vững” mà vẫn cam kết về chất lượng đảm bảo.
Các chất liệu tái chế có thể được sử dụng thay thế cho sợi bông, da và lông thú đang thu hút được sự chú ý từ các công ty thời trang. Vào tháng Tư, công ty đồ thể thao Pangaia đã hợp tác với IFC để sản xuất áo sơ mi được sản xuất 100% từ Infinna. Ganni cho biết kể từ tháng Mười Một năm nay, công ty sẽ bắt đầu đưa sợi Infinna vào việc sản xuất hàng may mặc. Các công ty cao cấp khác đang đầu tư vào các vật liệu thay thế như một trong những nỗ lực sử dụng vật liệu bền vững của riêng họ: LVMH đang giúp phát triển một sản phẩm thay thế lông thú được làm từ keratin, trong khi Kering đang làm việc với Vitrolabs về một sản phẩm thay thế không dùng da bò.

Năm ngoái, IFC đã huy động vốn được 30 triệu euro và được đầu tư bởi ông lớn trong ngành thời trang thể thao Adidas, nhà bán lẻ Bestseller và H&M. Các công ty khác sản xuất hàng may mặc mới từ bông tái chế bao gồm Stella McCartney, hợp tác với Evrnu có trụ sở tại Seattle từ năm 2019, cũng như thương hiệu denim Levi’s. Trong khi đó, Prada cũng đã bắt đầu thay thế một số sản phẩm nylon mang tính biểu tượng nhất của mình bằng Econyl, còn được gọi là Re-Nylon.
*Cảm ơn bạn đã đọc hết bài viết Sợi vải tái chế – thành tựu mới của nhà mốt Tommy Hilfiger.
Xuân Mai
Theo Vogue Business