Quốc gia đầu tiên trên thế giới thiết lập tiêu chuẩn về phân huỷ hàng dệt may
Piktina – Với hơn 227.000 tấn rác thải mỗi năm, Australia (Úc) là đất nước đầu tiên có những tiêu chuẩn về việc phân huỷ hàng dệt may.
Một doanh nhân kinh doanh về nội y đã dẫn đầu cho chiến dịch thiết lập những tiêu chuẩn trong việc phân huỷ hàng dệt may tại Úc. Trong 18 tháng qua, Stephanie Devine của Very Good Bra đã làm việc với các chuyên gia về phát triển bền vững, học giả trong ngành công nghiệp thời trang để tạo ra một đề xuất về “Tiêu chuẩn Úc: Đặc điểm kỹ thuật cho hàng dệt may có thể phân huỷ được”.
Quần áo có thể phân huỷ hữu cơ một cách tự nhiên là tiêu chuẩn hướng đến của thời trang bền vững
Ngày 21/3 vừa qua, sau một thời gian tham vấn cộng đồng, đề xuất này đã được nhóm quản lý sản xuất của Standards Australia chấp thuận.
Đại diện của Standards Australia cho biết: “Mặc dù có các tiêu chuẩn toàn cầu về khả năng phân huỷ nhưng chúng tôi không rõ bất kỳ tiêu chuẩn cụ thể nào đối với hàng dệt may có thể phân huỷ được. Vì vậy chúng tôi tin rằng đây là những tiêu chuẩn đầu tiên trên thế giới”.
Cotton Australia, cơ quan cao nhất đại diện cho nông dân trồng bông ở Úc đang làm việc riêng trong các dự án sử dụng quần áo cotton trong nông nghiệp đánh giá cao về khả năng áp dụng rộng rãi của các tiêu chuẩn từ Devine.
Từ những đề xuất của chủ một thương hiệu nội y, tiêu chuẩn về phân huỷ hàng dệt may được chú ý
Người Úc phát thải gần 227.000 tấn hàng dệt may ra bãi rác mỗi năm. Những nỗ lực của Devine để tạo ra các sản phẩm nội y có thể phân huỷ được đã khiến cô ấy thúc đẩy các đề xuất về tiêu chuẩn phân huỷ hàng dệt may nói chung. Các sản phẩm đáp ứng những thông số cơ bản về khả năng phân huỷ như: Được làm 100% từ sợi tự nhiên, bao gồm cả chỉ và tem nhãn; Với thuốc nhuộm hữu cơ được chứng nhận; Có độ đàn hồi làm từ cao su tự nhiên và móc cài kim loại dễ dàng tháo rời.
Devine hướng đến việc sử dụng rác thải hàng dệt may có thể phân huỷ để ủ phân bón thương mại. Tuy nhiên bước đầu có những khó khăn khi các nhà sản xuất phân bón từ chối nhận vì không có đủ tiêu chuẩn chính thức chứng minh quần áo sẽ phân huỷ một cách an toàn.
Rác thải của ngành công nghiệp thời trang vẫn luôn là vấn đề nhức nhối
Oliver Knox – Giáp sư về hệ thống đất đai tại Đại học New England, người cùng thực hiện các đề xuất cho biết nếu không có tiêu chuẩn được chấp nhận, việc cho quần áo vào phân trộn có thể nguy hiểm, dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm, vi nhựa và những điều tương tự. Đồng thời một số loại thuốc nhuộm và lớp phủ chống thấm, chống cháy cũng có thể gây giải phóng chất độc vào đất.
Chính vì vậy một bộ tiêu chuẩn phân hủy hàng dệt may là điều cần thiết để nhân rộng quy mô áp dụng phương áp ủ phân bón thương mại với rác thải thời trang. Các tiêu chuẩn của Úc sẽ bước vào giai đoạn phát triển để xác định các tiêu chí mà quần áo sẽ phải đáp ứng để chất lượng lớp phủ không bị ảnh hưởng.
Devine cho biết, cách duy nhất để dòng quần áo có thể phân huỷ thành công là khi các thương hiệu tích cực tham gia. Họ phải thiết kế các sản phẩm có thể đáp ứng tiêu chuẩn, sau đó thiết lập kế hoạch thu hồi để tạo lộ trình từ khách hàng đến nhà phân phối.
Đại diện một thương hiệu thời trang tại Úc cho biết nhiều sản phẩm may mặc có thể được thiết kế “khá dễ dàng” để phân huỷ. Các thương hiệu sẽ phải cân nhắc nhiêu hơn là việc chỉ sử dụng sợi tự nhiên.
Bộ tiêu chuẩn về phân hủy hàng dệt may tại Úc có khả quan áp dụng vào thực tiễn
Giáo sư Knox nhận định bộ tiêu chuẩn này sẽ là “một phần giấc mơ” về tính tuần hoàn, khi tất cả các con đường để tái chế và tái sử dụng đã cạn kiệt, mọi người vẫn có thể tự tin vào việc ủ quần áo của họ một cách an toàn ở chính khu sân sau.
Được biết bộ tiêu chuẩn này không đòi hỏi công nghệ cao hay những khoản đầu tư về cơ sở hạ tầng. Cotton Australia đã có những thử nghiệm về việc sử dụng quần áo bông vụn làm phân trộn và cho tín hiệu khả quan.
Quá trình ủ phân hữu cơ với rác thải dệt may có thể phân huỷ được mô tả như một con đường ít rào cản để tiếp cận thời trang tuần hoàn. Mặc dù việc ủ phân hữu cơ được ưu tiên thấp hơn so với tái sử dụng, sửa chữa và tái sản xuất từ góc độ phân cấp chất thải, nhưng đó là một cân nhắc rất quan trọng, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn ở Úc và quốc tế.
Cùng chờ đợi vào một tương lai không xa, quần áo khi không còn sử dụng được sẽ dùng ủ làm phân bón hữu cơ
Sau giai đoạn tham vấn cộng đồng, hiện tại những người đứng sau bộ tiêu chuẩn phân huỷ hàng dệt may đang mong muốn nhận được những ý kiến để phát triển đề xuất này về các tiêu chuẩn và tài liệu đổi mới có lợi cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và xã hội ở Úc nói riêng, quốc tế nói chung.
Cảm ơn bạn đã xem bài viết: Quốc gia đầu tiên trên thế giới thiết lập tiêu chuẩn về phân huỷ hàng dệt may
Vinnie (lược dịch)