Piktina – Trong nỗ lực “xanh hóa” Trái Đất, rất nhiều thương hiệu thời trang từ bình dân đến xa xỉ đều không ngừng cố gắng nâng cao tiêu chí tái chế.

Số lượng rác thải từ thời trang đang đe dọa đến nỗ lực xây dựng hành tinh xanh của nhân loại. Chính vì lẽ đó, rất nhiều thương hiệu quần áo hàng đầu thế giới đang đi tìm lối đi riêng, vừa đảm bảo tiến trình phát triển thời trang, vừa hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.

Rác thải thời trang đang trở thành nỗi ám ảnh đối với “sức khoẻ” của môi trường trên Trái Đất.

Tại Việt Nam, thương hiệu may mặc phổ thông H&M đã thông qua chiến dịch “Let’s Reuse” để khuyến khích sử dụng túi giấy khi khách đến mua hàng. Không những thế, tính đến năm 2020, H&M đã đạt 57% chất liệu may mặc là đồ tái chế hoặc có nguồn gốc thân thiện với môi trường.

H&M có nhiều chiến dịch khuyến khích sử dụng túi giấy bảo vệ môi trường cũng như hướng đến mục tiêu thời trang bền vững.

Mặc dù Uniqlo chỉ vừa bước chân vào thị trường Việt Nam không lâu nhưng đã nắm bắt được xu thế mới, kêu gọi khách hàng mang những items của thương hiệu (ngoại trừ giầy dép và đồ lót) đến quyên góp vào thùng giấy “Re.Uniqlo”. Những món ấy sẽ được chuyển cho người dân ở vùng sâu vùng xa, giúp hạn chế tình trạng lãng phí thời trang, vừa có thể làm từ thiện.

Thùng giấy Re.Uniqlo cho phép người mua gửi lại những items cũ không sử dụng nữa.

Không chỉ riêng Việt Nam mà trên thế giới, trong vòng 5 năm trở lại đây, rất nhiều “nhà mốt” xa xỉ phẩm không ngừng khuyến khích khách hàng tái chế quần áo cũ. Như thương hiệu Levi’s cho phép khách mua lại quần áo đã qua sử dụng để nhận voucher giảm giá. Hay như Gucci tuyên bố hợp tác cùng The RealReal, Kering và Bottega Veneta đầu tư cho Vestiaire Collective – những website bán hàng secondhand cao cấp nhằm tăng trưởng thời gian lưu hành của những món đồ xa xỉ phẩm.

Levi’s, Miu Miu, Gucci, Bottega Veneta cùng rất nhiều thương hiệu lớn khác lên tiếng ủng hộ xu hướng tái chế đồ cũ theo nhiều cách khác nhau.

Nike cũng là một cái tên nổi tiếng ủng hộ thời trang bền vững. Thương hiệu cho ra mắt chương trình Nike Refurbished để khách hàng bán lại những đôi giày thể thao đã qua sử dụng hoặc tân trang những mẫu đã sờn cũ. Với sản phẩm không thể trưng bày lên kệ nữa, Nike sẽ tặng cho hoàn cảnh kém may mắn trong xã hội. Nhờ vậy, thương hiệu góp phần giảm được số lượng giày bỏ đi hằng năm ảnh hưởng không tốt đến môi trường.

Nike với chiến dịch Nike Refurbished đã giúp nhiều đôi giày cũ “có một cuộc đời mới”.

Phương Thảo

Spread the love