Piktina – Sẽ thật khó tin khi một cô gái 26 tuổi lại là bà chủ của một phiên chợ trời có diện tích lên đến tận 1.000 m2 đúng không? Nhưng không tin thì chúng ta cũng phải tin, vì “con nhà người ta”, “cô bạn siêu nhân”, “9X siêu phàm”… những tính từ đỉnh cao ấy để chỉ tên Hoàng Quyên, cô bạn sinh năm 1996, chủ nhân của phiên chợ trời Time Zone ở Pleiku và một cửa hàng đồ si Lagom tại Sài Gòn.

Hoàng Quyên, bà chủ mát tay của khu chợ trời 2hand Time Zone rộng 1.000 m2 tại Pleiku và cửa hàng đồ si Lagom

Quyên giới thiệu về bản thân mình như này: “Mình bắt đầu từ một shop đồ seconhand online đến một tiệm offline nhỏ nhỏ ở Sài Gòn. Tiếp đến là hẳn một flea market ở quê nhà Pleiku rộng hơn 1000 m2 nằm trong tổ hợp 3.000 m2. Nhìn lại mới thấy chưa đam mê nào có sức mạnh to lớn đến vậy. Không biết gọi là sức mạnh hay là bén duyên để liều như vậy”.

Chợ trời của Quyên là nơi tập trung để bán các sản phẩm đã qua sử dụng (secondhand) độc, lạ như: quần áo thời trang, giày dép, túi xách, đồ nội thất, đồ gốm, decor (trang trí)… Không chỉ là một nơi để bán đồ, Quyên còn muốn biến khu chợ trời này trở thành một “sàn diễn thời trang”, để các bạn trẻ ở Pleiku có thể khoe outfit của mình. Đối với Quyên: “outfit chỉn chu thì nó không chỉ là đẹp mà thể hiện phong cách cá nhân rất rõ. Chưa kể đó còn là sự đầu tư từ tiền bạc đến chất xám, nếu không có nơi để phô diễn hay một sự công nhận thì thật sự là phí”.

26 tuổi, Quyên sống hết mình với niềm đam mê đồ si và may mắn đã mỉm cười với cô bạn, sau những nỗ lực hết mình.

Quả thật, cô bạn này đặc biệt đúng không? Mà cái đặc biệt, lạ lạ ấy còn thể hiện rất rõ ở những dòng giới thiệu cửa hàng đồ si như sau: “Lagom Conner – Chúng mình bán những điều vừa-đủ-hạnh-phúc”. Cùng Piktina gặp và trò chuyện với Hoàng Quyên, để nghe cô nàng 9X này chia sẻ về niềm đam mê đồ si của mình nhé!

Hello Quyên, bạn có thể chia sẻ bạn kinh doanh đồ si từ cơ duyên đặc biệt nào không?

Chào bạn! Không có cơ duyên gì đặc biệt đâu, chỉ là mình có sở thích săn lùng đồ si từ những chợ đồ si vào cuối tuần. Lúc mình bắt đầu mở Lagom (là dự án bán đồ si online đầu tiên) là mình quyết định nghỉ công việc đang làm, và muốn làm gì đấy của riêng mình. Cho đến giờ, mình kinh doanh đồ 2hand được 3 năm rồi nhen.

Từ lúc bắt đầu Lagom, mình không dám nghĩ sẽ có Lagom thứ 2, 3, 4 như bây giờ. Lagom là một cái tên đến với mình một cách tình cờ, mình đọc được nó trong một quyển sách bạn tặng đúng lúc đang cần một cái tên cho “dự án” đầu tiên trong đời. Dùng từ “dự án” nghe thật lớn lao, nhưng quả là liều lĩnh khi quyết định nghỉ việc đang làm, với mức lương đáng mơ ước mới một sinh viên chưa ra trường, công việc mình làm từ năm 3 đại học.

Manager, photographer, content writer… mình cứ nghĩ ra trường rồi mình sẽ tiếp tục những công việc đó thật lâu. Nhưng tốt nghiệp tròn một năm thì mình dừng lại, quyết định về Pleiku dù có công việc khác với mức lương đáng mơ ước hơn cả trước đó. Đưa ra quyết định, dọn đồ, hẹn gặp bạn bè và rời đi vỏn vẹn đúng 1 tuần. Mình về nhà và bắt đầu lại.

Dù đang rất thành công với một cửa hàng đồ si tại Sài Gòn, nhưng Quyên quyết định dọn đồ, hẹn gặp bạn bè và rời đi vỏn vẹn đúng 1 tuần để về Pleiku mở khu chợ trời 2hand – Time Zone.

Những khó khăn mà Quyên từng gặp là gì?

Khó khăn thì rất là nhiều, nhất là với một bắt đầu mới hoàn toàn so với những công việc mình làm trước đó. Khó khăn nhất ban đầu chắc là thuyết phục gia đình, vì công việc trước đó của mình đang rất ổn. Phải thuyết phục và có được sự ủng hộ, tin tưởng từ gia đình, bố mẹ, để bố mẹ đỡ…lo ?. Vì bố mẹ nào cũng lo cho con cái, nhất là khi quyết định lúc đó của mình khá liều lĩnh.

Khó khăn tiếp theo chính là nguồn hàng. Khác với chỉ mua cho bản thân như trước thì mình phải tìm nguồn hàng lớn để bắt đầu kinh doanh, đem bán lại. Thay vì tìm hàng theo sở thích của cá nhân thì mình phải tìm hiểu sở thích của nhiều người hơn, gu của khách hàng, thị trường… Và để có số lượng lớn hàng hoá mình phải lần mò lại từ đầu chứ không chỉ ra chợ 2hand để lùng như trước.

Để có nguồn hàng ổn định như bây giờ, đủ lo cho 3 cơ sở kinh doanh 2hand, thì mình đã phải chịu lỗ rất nhiều! Phải trải qua gần 1 năm, rất nhiều lần chịu lỗ để tìm tòi và có được nguồn hàng ổn định, đẹp.

May mắn là mình có kinh nghiệm trong marketing, chụp hình sản phẩm, social media nên không gặp mấy khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu và hình ảnh.

Có thời điểm nào bạn từng bật khóc hay muốn từ bỏ chưa?

Haha khóc thì nhiều chứ, từ bỏ thì chưa. Mỗi lần khóc là khi mình gặp một khó khăn nào đấy, khóc giống như là cách giải toả để tiếp tục “tìm đường” giải quyết khó khăn đấy. Cứ đi mãi đi mãi, đi qua hết khó khăn này, khó khăn nọ thì đi tới được như bây giờ.

Hai bàn tay trắng khởi nghiệp, Quyên đã chứng minh cho mọi người thấy đi qua hết khó khăn này, khó khăn nọ thì đi tới được như bây giờ.

Hiện tại bạn có tất cả bao nhiêu cửa hàng, bật mí với chúng tớ chút nè?

Hiện tại thì mình có một tiệm ở Sài Gòn, một Flea market ở Pleiku và kênh bán hàng online trên instagram. Ngoài ra thì mình có bỏ sỉ hàng cho vài shop nữa.

96 mà giỏi dữ thần mèn ui! Hỏi thật bạn có được gua đình hỗ trợ không?

Mình được gia đình hỗ trợ rất nhiều về…tinh thần. Nói thật là gia đình mình không quá dư dả về tài chính, và bản thân cũng đã tự lập từ lúc xa nhà. May mắn là mình có một người đồng hành rất xịn là chị gái mình. Nếu nói một công trình cần có 2 phần là vỏ và lõi, thì chị gái là người giúp mình xây lên lớp vỏ thật chắc, để mình thổi hồn vào những công trình đó.

Vậy chuyện mix match, chọn đồ từ ban đầu thì sao? Bạn có thể chia sẻ kỹ hơn về kinh nghiệm và những yêu cầu của bạn không?

Ban đầu thì mình định hướng phong cách cũng như mix&match theo thẩm mỹ của bản thân. Cũng may là hợp gu nhiều người và phần lớn khách hàng. Nên là bây giờ mình có một tệp khách hàng cùng “tần số”. Để không chỉ là người mua và người bán, mà mình với khách giống như những người có cùng đam mê và sở thích chia sẻ với nhau khi có những món đồ xinh, hiếm,… vậy đó.

Yêu cầu thì mình có một vài yêu cầu nho nhỏ trong việc lựa chọn các món đồ để đem bán, đó là chất lượng phải đảm bảo, gần như mới chứ không phải đồ 2hand là cũ, sờn, rách,… Một ưu tiên nữa là sự độc bản của một món đồ, càng hiếm, càng khó tìm thì cả mình và khách càng hạnh phúc khi sở hữu được món đồ đó.

Bà chủ xinh đẹp của Time Zone và Lagom

Yêu cầu đó nghe thì có vẻ dễ nhưng để làm không dễ chút nào và để duy trì thì càng khó! Bạn nghĩ sao?

Đúng rồi! Về việc lựa đồ luôn phải gần như mới thì trong khâu chọn buộc không được tiếc đồ, sẵn sàng bỏ những món đồ chất lượng không tốt, và phải không để mình bị lợi nhuận trước mắt mà bán những món đồ không đủ tiêu chuẩn cho khách. Còn yếu tố độc – lạ – hiếm – đẹp thì còn phải tuỳ… duyên, bán đồ 2hand mà ?.

Cảm ơn Quyên về những chia sẻ. Còn bây giờ, chúng ta cùng ngắm nghía qua ảnh khu chợ trời Time Zone nhé!

Chợ trời Time Zone của Quyên rộng 1.000 m2 nằm trong khu phức hợp 3.000 m2 tại Pleiku

Không chỉ là nơi bán đồ, Hoàng Quyên còn muốn biến Time Zone thành nơi khoe đồ dành cho các bạn trẻ Pleiku.

Đồ 2hand của Lagom – cửa hàng tại Sài Gòn của Quyên.

Quyên làm mẫu cho đồ của Lagom. Cô bạn có những yêu cầu rất kĩ cho những món đồ mình bán ra – một yếu tố không nhỏ góp phần tạo nên thành công của Quyên ngày hôm nay.

Piktina

Spread the love