15 điều bạn nên biết về thời trang bền vững
Piktina – Thực chất thời trang bền vững là gì? Và nên làm gì để thúc đẩy ngành thời trang bền vững? Cùng chúng mình tìm hiểu nhé!
Thời trang bền vững đang được nhắc hiều hơn khi chúng ta đang ngày càng nhận thức rõ về tác động nghiêm trọng đến môi trường của ngành dệt may. Vậy thời trang bền vững thực sự là gì?
Thời trang bền vững là gì?
Nói một cách ngắn gọn, thời trang bền vững là thuật ngữ để chỉ quần áo được tạo ra và tiêu dùng có thể duy trì lâu dài, đồng thời bảo vệ môi trường và những người sản xuất hàng may mặc. Đó là lý do tại sao việc cắt giảm lượng khí thải CO2, giải quyết tình trạng sản xuất thừa, giảm ô nhiễm và chất thải, hỗ trợ đa dạng sinh học và đảm bảo rằng công nhân may mặc được trả một mức lương công bằng, có điều kiện làm việc an toàn.
Tổng quan hiện tại, còn quá ít thương hiệu có thể giải quyết tất cả các vấn đề nêu trên. Chỉ mua sắm những mặt hàng được dán nhãn bền vững là không đủ, cần xem xét lại thói quen mua sắm và cách chúng ta tiêu thụ quần áo.

Nếu bạn muốn trở thành một phần để thúc đẩy ngành thời trang bền vững trong tương lai, thì đây là tất cả những thứ bạn nên biết!
15 điều bạn nên biết về thời trang bền vững
Mua ít hơn và tốt hơn
Đây là “câu thần chú” trong thời trang bền vững. Mỗi năm, có 100 tỷ sản phẩm may mặc được sản xuất trên toàn cầu. Trước khi mua một mặt hàng nào đó, bạn hãy nên tự hỏi mình 3 câu hỏi quan trọng rằng: “Bạn đang mua thứ gì và tại sao lại mua nó?”; “Bạn thực sự cần điều gì?”; và “Bạn sẽ mặc bộ đồ đó ít nhất 30 lần chứ?”
Đầu tư vào các thương hiệu thời trang bền vững
Mua tốt hơn cũng góp một phần vào hỗ trợ các nhà thiết kế thúc đẩy hoạt động bền vững. Việc thu hẹp phạm vi tìm kiếm các mặt hàng cụ thể cũng rất hữu ích, thiên về thương hiệu sản xuất năng động bền vững hơn.
Mua đồ cũ và…đồ cũ
Đồ cũ đang ngày càng tiếp cận rộng rãi hơn, nhiều nền tảng mua sắm đồ second hand đang phát triển, thúc đẩy hoạt động này phát triển. Hãy cân nhắc việc mua những món đồ đã qua sử dụng cho tủ đồ của bạn. Không chỉ bạn đang giúp kéo dài tuổi thọ các món đồ đó, mà còn giúp giảm tác động đến môi trường.


Thử thuê đồ
Thay vì mua một chiếc váy mới, việc thuê nó để mặc cũng là lựa chọn khá hay. Theo một nghiên cứu, ở Anh, có khoảng 50 triệu chiếc quần áo được mua và mặc 1 lần vào mùa hè, cứ 1 giây lại có 1 xe chở rác thải hàng dệt may đi đốt và chôn lấp. Vì vậy thuê trang phục giúp hạn chế mua đồ mới, giảm chi phí cho bản thân và còn tạo ảnh hưởng tích cực đến tự nhiên.
Tránh “xanh hoá” các thương hiệu chưa đủ chuẩn
Nhiều thương hiệu có sự mơ hồ, gây hiểm lầm hoặc sai về tiêu chuẩn thân thiện với môi trường. Điều này đang ngày càng trở nên phổ biến. Chính vì vậy cần tránh để các thương hiệu thời trang sử dụng các từ ngữ thông dụng để tuyên bố về sự bền vững của họ như: thân thiện với môi trường, có ý thức, có trách nhiệm…
Hiểu về chất liệu
Một nguyên tắc chung là tránh các chất liệu tổng hợp nguyên chất, như polyester – chiếm 55% quần áo trên toàn cầu vì chúng có nguồn gốc từ nghiên liệu hoá thạch và mất nhiều năm để phân huỷ. Không phải tất cả các chất liệu tự nhiên đều được tạo ra giống nhau, ví dụ như: Bông bữu cơ sử dụng ít nước hơn so với bông thông thường.
Tìm hiểu về các chứng nhận về tiêu chuẩn chất liệu hàng dệt may. Vật liệu tái chế được khuyến khích sử dụng nhiều nhưng cũng cần xem xét liệu những loại vải dệt có thể được tái chế lại một lần nữa sau khi hoàn thành vòng đời của trang phục hay không?


Có ý thức về thời trang thuần chay
Trong khi các vật liệu có nguồn gốc từ động vật như: da, len…dẫn đến những quan ngại về môi trường và tính đạo đức, thì chất liệu thuần chay làm từ chất tổng hợp như PVC cũng có thể gây hại đến trái đất. Ngay cả lựa chọn thay thế dựa trên thực vật cũng thường chứa một mức độ tổng hợp nào đó, mặc dù chúng có khả năng cải thiện theo thời gian.
Quan tâm đến lao động trong ngành dệt may
Đại dịch Covid-19 làm lộ ra những khó khăn cùng cực mà công nhân may mặc trên khắp thế giới phải đối mặt. Họ cần được trả một mức lương phù hợp và có điều kiện làm việc an toàn. Hãy tìm mua sản phẩm của những thương hiệu công khai thông tin về nhà máy, chính sách về tiền lương, điều kiện làm việc cho công nhân.
Hỗ trợ các thương hiệu có tác động tích cực
Các thương hiệu quan tâm đến môi trường đang dần xem xét cách thời trang có thể tác động đến hành tinh hơn là giảm thiểu tác động của nó. Nông nghiệp tái sinh, gồm các hoạt động canh tác xanh là xu hướng đang phát triển trong thời trang, nhằm phục hồi đất và đa dạng sinh học.
Đề phòng các hoá chất độc hại
Các hoá chất được sử dụng để xử lý quần áo của chúng đang là mối quan tâm đặc biệt. Nó gây ô nhiễm nguồn nước, gây rủi ro cho công nhân. Hãy quan tâm đến chứng nhận “Made in Green by OEKO-TEX” và Bluesign về yêu cầu sử dụng hoá chất trong quá trình sản xuất hàng may mặc.

Giảm thiếu lượng nước sử dụng
Việc sản xuất hàng dệt may sử dụng một lượng nước khổng lồ với khoảng 93 tỷ mét khối/năm, tương đương 37 triệu bể bơi Olympic. Chính vì vậy cần quan tâm đến nguồn nước lẫn tiết kiệm nước khi sản xuất.
Chăm sóc quần áo của bạn
Kéo dài tuổi thọ quần áo cũng là chìa khoá quan trọng khi nói đến việc giảm thiếu tác hại với môi trường từ chính đồ bạn đang mặc. Hãy đảm bảo rằng chúng không làm tắc nghẽn ở các bãi rác sau 1 hoặc 2 lần mặc. Hãy mặc quần áo lâu nhất có thể bằng cách không giặt quá nhiều lần, cũng như sửa chữa thay vì vứt bỏ.
Tránh ô nhiễm vi nhựa
Rất khó để tránh hoàn toàn các chất tổng hợp trong hàng dệt may, việc giặt quần áo có thể giải phóng hàng ngàn vi nhựa vào nguồn nước, gây hại cho sinh vật ăn phải hạt nhỏ này. Chính vì vậy có thể đầu tư vào bộ lọc vi nhựa như túi giặt chẳng hạn.
Đảm bảo quần áo có vòng đời thứ 2
Khi dọn tủ, ý thức về cách xử lý quần áo sẽ giúp ngăn chặn việc chúng bị vứt ra bãi rác. Bán lại hoặc ký gửi thanh lý là cách tốt nhất để đảm bảo quần áo sẽ có vòng đời thứ 2. Hoặc có thể quyên góp cho các tổ chức từ thiện tiếp nhận quần áo đã qua sử dụng.

Tính tuần hoàn rất quan trọng
Đã có rất nhiều cuộc bàn luận về việc tạo ra ngành công nghiệp thời trang vòng tròn, một hệ thống mà sản phẩm may mặc có thể được tái sử dụng, tái chế hoặc trả lại cho trái đất. Mặc dù ngành công nghiệp này còn lâu mới trở thành vòng tròn hoàn chỉnh, nhưng việc suy nghĩ xem quần áo của bạn có thể được đưa vào hệ thống này hay không cũng là điều quan trọng khi nói đến tính bền vững.
Cảm ơn bạn đã xem hết bài viết: 15 điều bạn nên biết về thời trang bền vững
Giang (lược dịch)